Các dạng hư hỏng kết dính giữa cao su và kim loại

Các dạng hư hỏng kết dính giữa cao su và kim loại được nghiên cứu và phát triển rất lâu đời. Tuy nhiên cho tới nay, việc tìm ra nguyên nhân bong tróc và hướng khắc phục vẫn chưa tới hồi kết. Hãy cùng cao su Khánh Đạt nghiên cứu bề nổi của loại hư hỏng này.
Các sản phẩm cao su bám dính kim loại được coi như một “dây xích” níu cao su và kim loại với nhau. Bất cứ dây xích nào cũng có độ bền dựa trên kết nối yếu nhất. Vậy nên khi xảy ra hư hỏng, sẽ xuất hiện ở phần yếu nhất của chi tiết.

Các dạng hư hỏng kết dính giữa cao su và kim loại

  • R – Kiểu hỏng cao su.
  • RC – Kiểu hỏng cao su/chất kết dính.
  • CP – Kiểu hỏng chất kết dính/lớp lót: hỏng ở bề mặt phân cách chất kết dính và lớp lót.
  • CM – Kiểu hỏng chất kết dính/kim loại: hỏng ở bề mặt phân cách lớp lót và kim loại.

Đối với các chất kết dính như keo dán (một hoặc hai lớp phủ), đây là dạng lỗi ở bề mặt phân cách chất kết dính và kim loại.

hư hỏng giữa cao su bám dính kim loại
Cao su bám dính kim loại

Hư hỏng cao su trong sản xuất sản phẩm bám dính kim loại

Nguyên nhân

Kiểu hỏng cao su (R) là kiểu hỏng cần đạt được. Nó ghi nhận sự hỏng liên kết giữa các thành phần cao su. Hiện tượng này giải thích rằng liên kết giữa kim loại với cao su thông qua chất kết dính có độ bền tốt hơn độ bền xé giữa các phần tử cao su. Đây là dạng hư hỏng thường thấy do chất lượng cao su chưa thực sự tốt hoặc việc lưu hoá chưa thực sự ổn định và hoàn toàn.

Cách khắc phục

Để có được sản phẩm chất lượng cao cần có sự đồng đều giữa: Nguyên vật liệu – Hoá chất – Chất bám dính và Kim loại. Thay đổi hệ lưu hoá phù hợp với từng compound cao su để có độ bền kéo và độ bền kháng xé tốt.

Hư hỏng cao su/chất kết dính

Nguyên nhân

Kiểu hỏng cao su/chất kết dính (RC) cho thấy điểm yếu nhất của sản phẩm chính là bề mặt phân cách giữa cao su và chất kết dính. Các sản phẩm hư hỏng kiểu này được đặc trưng bởi một bề mặt kết dính tương đối nhẵn bóng và cứng. Không có hoặc rất ít có sự hiện diện của thành phần cao su. Các nguyên nhân thông thường của kiểu hỏng RC là:

  1. Chọn lựa chất kết dính không đúng.
  2. Bề dày của lớp chất kết dính sau khi khô không đủ (Hàm lượng chất rắn không đạt).
  3. Không khuấy trộn đều chất kết dính đúng cách để đạt được sự phân tán đồng nhất trước khi bao phủ.
  4. Sự lưu hoá không đồng đều giữa cao su và chất kết dính trong khuôn.
  5. Áp lực khuôn không đủ.
  6. Sự lưu hoá không hoàn toàn.
  7. Sự di chuyển của các chất hoá dẻo và các thành phần khác bên trong cao su ra bề mặt phân tách cao su/chất kết dính.
  8. Sự nhiễm bẩn bề mặt của chi tiết sau khi đã được bao phủ chất kết dính.

Đây là những nguyên nhân rất phổ biến được nêu ra. Theo thực tế có rất nhiều sự cố khác và khó có thể khắc phục triệt để.

Những sản phẩm dễ gây ra hỏng hóc khi sản xuất cao su bám dính kim loại

Gối cầu di động

Gối cầu cao su cốt bản thép là sản phẩm thường gặp trong các dạng hư hỏng liên kết giữa cao su và lớp thép. Đặc biệt, trong việc sản xuất chi tiết này có rất nhiều lớp thép xen kẽ với cao su. Dẫn tới việc bảo quản các lớp thép sau khi phun, quét keo phải đảm bảo cực kỳ sạch sẽ. Các quy trình được thực hiện hoàn toàn trong phòng sạch.

Khe co giãn cao su cốt bản thép cũng là một trong những sản phẩm tương đương với gối cầu nhưng việc sản xuất đơn giản hơn do số lượng lớp thép thường ít hơn, sản xuất nhanh chóng hơn.

Bọc bánh xe cao su

Bánh xe cao su bọc lõi kim loại. Đây là sản phẩm đặc trưng cho kiểu hỏng RC. Nguyên nhân do sản xuất theo phương thức cũ là sử dụng những tấm cao su cuốn lên bề mặt lõi thép. Việc này không được thực hiện trong phòng sạch, dẫn tới tách lớp giữa hai loại vật liệu. Đồng thời lực ép không đủ làm cho liên kết không thực sự chắc chắn.

Lời khuyên cho khách hàng

Trước khi sử dụng bất cứ sản phẩm vào có lõi thép, hãy kiểm tra thật kỹ vì chỉ cần một sơ xuất cao su và thép không liên kết thì các lớp kim loại rất dễ phá huỷ cao su và dẫn tới kim loại bị thoát ra ngoài.

Đánh giá nội dung